Khoa học, công nghệ đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Hưng Yên

Ngày đăng: 16/05/2019, Lượt xem: 2047

5 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Hưng Yên đã  đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hơn 155 đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN được triển khai thực hiện với tổng kinh phí đầu tư gần 110 tỷ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KHCN được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực, thực sự đi vào cuộc sống.

 

Trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHCN góp phần duy trì và đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 5%, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh tăng trên 13,5 tấn/ha/năm; góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Giá trị thu được trên 1ha canh tác năm 2018 đạt 192 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX nấm sạch Việt Tú, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động cho biết: ”Sở KHCN đã hỗ trợ tôi vốn sản xuất, tập huấn kiến thức khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn”.

 KHCN được áp dụng vào sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp hiệu quả 

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà Đông Tảo và gà lai Đông Tảo” góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của gà Đông Tảo. Mô hình nuôi thương phẩm và sinh sản nhân tạo cá trắm đen, cá chép lai V1 đã tạo nguồn giống tốt phục vụ nuôi trồng thủy sản, khai thác hiệu quả nguồn lợi mặt nước. 

Dự án “Trồng dưa vàng và dưa lê siêu ngọt đã góp phần đưa vào sản xuất những giống dưa mới có chất lượng vượt trội. Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống nuôi cấy mô và sản xuất hoa lan Đại Châu và địa lan tại huyện Văn Giang” triển khai đã liên kết thành công bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và  người dân.

 “Khi tiếp nhận dự án nhân bản vô tính nuôi cấy mô cây lan và cây địa lan từ tháng 8/2016, đến nay dự án đã thành công và đi vào hoạt động. Quá trình thực hiện được sự giúp đỡ rất nhiều của Sở KHCN tỉnh Hưng Yên ”, ông Phan Ngọc Anh, xã Xuân Quan huyện Văn Giang cho biết.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, hoạt động ứng dụng chuyển giao KHCN diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh đã có những giải pháp định hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiều sâu trong đó chú trọng việc đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất’; thành lập được nhiều doanh nghiệp KHCN, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Khoa học. 

Các dự án xây dựng mô hình nhân giống cây, con góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp 

Trong sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh là hết sức cần thiết. Đến nay, đã có 15 sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc thù của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền.

Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu cho biết : “Từ khi sản phẩm nghệ Chí Tân được cấp thương hiệu thì việc tiêu thụ nghệ rất thuận lợi, người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn”.

Trong lĩnh vực y tế, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ đắc lực công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, như  dự án “Xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất thực phẩm chức năng Trường sinh cốt từ nguồn nguyên liệu tại tỉnh Hưng Yên.

Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm gan B, hạn chế phát triển tế bào ung thư gan từ hoạt chất có trong củ nghệ và cây diệp hạ châu. Đánh giá thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng Y học cổ truyền chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động nghiên cứu KHCN phục vụ đắc lực cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân 

Chia sẻ về ý nghĩa của đề tài khoa học do mình chủ nhiệm, ông Trương Văn Lợi, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: “Khi đề tài được triển khai góp phần giúp người dân hiểu hơn về Y học cổ truyền, tăng cường ý thức chăm sóc sức khỏe”.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều mô hình được triển khai ra diện rộng, đem lại hiệu quả cao như nô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; ứng dụng các chế phẩm sinh học chế biến rơm rạ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng; ứng dụng chế phẩm vi sinh EM dạng bột để xử lý rác thải hữu cơ dễ phân hủy trong sinh hoạt làm thành phần bón cho cây trồng.

Ông Trần Minh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN cho biết: “Thời gian tới, sở tập trung đẩy mạnh chuyển giao KHCN cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên các lĩnh vực.”

Những thành tựu trong 5 năm qua của Sở KHCN Hưng Yên là dấu son viết tiếp truyền thống 60 năm đầy tự hào của Ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề để ngành Khoa học và công nghệ đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thu Thủy

Chuyên mục : Tin tức

BÌNH LUẬN